Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

CHẬU BƠ CẢNH DỄ THƯƠNG TRỒNG TỪ HẠT

Hãy tận dụng hạt bơ để trồng cho mình những chậu cảnh thật đáng yêu đặt trong nhà nhé.
Dụng cụ: 1 quả bơ, tăm, bát hoặc hộp to hơn hạt quả bơ, chậu cây.
Cách trồng:

Bước 1: Nhẹ nhàng bổ đôi quả bơ để lấy hạt ra. Chú ý xác định phần trên và phần dưới của hạt: Phần trên là phần gần với núm của quả bơ còn phần dưới là ở đầu ngược lại.
Bước 2: Bóc bỏ phần vỏ ngoài của hạt quả bơ rồi xiên 3 que tăm cách đều nhau vào giữa hạt.
Bước 3: Ngâm hạt bơ vào nước sao cho nước chỉ tiếp xúc với phần dưới của hạt và ngập đến khoảng nửa hạt. Phần trên của hạt cần giữ khô ráo.
Bước 4: Để hạt bơ ở nơi khô thoáng, có ánh sáng mặt trời. Sau khoảng 5 ngày, thay nước cho bơ 1 lần.
Bước 5: Nếu hạt tốt, mầm sẽ bắt đầu mọc sau khoảng 2 - 4 tuần hoặc không thì sẽ phải mất 8 tuần. Lúc này, cần giữ cho rễ cây lúc nào cũng ngập trong nước.
Bước 6: Khi thân cây đã cao được khoảng 15cm thì cắt ngắn thân còn khoảng 8cm. Điều này sẽ giúp cây tăng trưởng tốt hơn.
Bước 7: Khi cây mọc trở lại đến khoảng 15cm thì chuyển cây sang trồng vào đất.
Một số lưu ý:
Khi hạt mới nảy mầm, bạn đã có thể dùng để trang trí.
Cây bơ rất ưa ánh sáng.
Nếu lá cây ngả vàng, bạn chú ý điều chỉnh lượng nước tưới vào cây ít đi.
Nếu thích cây ra lá xum xuê thì khi cây mọc được 2 hàng lá, các bạn ngắt bỏ 2 lá ở trên cùng đi nhé!

CÁCH TRỊ SÂU BỆNH CHO CÂY TRỒNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN

Ngoài tỏi, ớt, bạn có thể dễ dàng chế tạo thuốc trừ sâu từ vỏ trứng, nước rửa chén...
1. Thuốc trừ sâu từ nước rửa chén và bột thực vật
Theo nghiên cứu, các loại xà phòng được chế từ dầu thực vật có hiệu quả diệt trừ côn trùng rất hiệu quả, đặc biệt ở dạng xịt phun mù, áp dụng cho các loại rau xanh.
Hiện nay các nhà vườn sử dụng nước xà bông rửa chén hiệu Mỹ Hảo (1ml/ pha 1 lít nước sạch) bổ sung thêm bột ớt, bột quế hoặc bột tỏi là có khả năng diệt rầy, rệp, muỗi, nhện rất hiệu quả.
2. Thuốc trừ sâu sản xuất từ tỏi
Đây được coi là sản phẩm diệt sâu rất tốt, nhất là các loại sâu ăn lá, phù hợp cho các loại rau thơm, gia vị, rau ăn lá.
Cách làm: Dùng 2, 3 củ tỏi to, bóc sạch vỏ, giã nghiền nát sau đó pha với 2 cốc nước, ngâm 1 ngày sau đó lấy ra lọc lấy nước cốt, pha với 4 lít nước, cho vào bình phun cho các loại rau.
Trên thị trường có bán sản phẩm bột tỏi để dùng như thuốc BVTV vừa dễ sử dụng vừa an toàn cho rau xanh.
3. Thuốc trừ sâu sản xuất từ lá cà chua
Trong lá cà chua có chứa nhiều Alkaloids, một loại hóa chất có tác dụng diệt và đuổi côn trùng rất hiệu quả, nhất là rệp vừng, bướm đêm, sâu rầy, bù lạch… 
Cách làm: Dùng khoảng 2 bát lá cà chua nghiền nát ngâm với 2 cốc nước qua đêm.
Sáng ra gạn lấy nước trong, pha thêm 2 cốc nước rồi đem phun vào cây trồng, nhất là loại rau thơm, gia vị.
4. Vỏ trứng vừa làm phân bón, vừa làm thuốc trừ sâu
Vỏ trứng có rất nhiều tác dụng, trong đó có cả tác dụng làm phân bón và thuốc trừ sâu.
Cách làm: Vỏ trứng đem nghiền nát. Sau đó, chọc lỗ vào gốc cây và cho bột vỏ trứng vào hoặc cũng có thể rắc bột vỏ trứng quanh gốc cây.
Bột vỏ trứng không chỉ có tác dụng làm phân bón mà còn có tác dụng đuổi sâu bệnh, kể cả ốc sên và các loại côn trùng có hại cho cây trồng. Phù hợp với các loại cây như cà chua, ớt, cà tím.
5. Thuốc diệt sâu bọ sản xuất từ ớt cay
Các loại ớt tươi chín không chỉ là thực phẩm, thuốc chữa bệnh mà còn có tác dụng diệt trừ sâu bệnh.
Đây là loại thuốc diệt sâu tự chế, mang tính thân thiện, dễ làm, rẻ tiền và hiệu quả.
Cách làm: Dùng 6 - 10 quả ớt chín tươi cay, nghiền nát trong máy ở tốc độ cao khoảng 1 - 2 phút.
Sau đó, ngâm bột ớt xay qua đêm, đến sáng hôm sau lọc kỹ lấy nước pha thêm 1 lít nước và phun cho các loại cây ăn quả, rau thơm gia vị, đặc biệt là sau khi mưa.
Có thể pha thêm với vài củ hành giả nhuyễn để tăng thêm hiệu lực thuốc.
Ngoài ra có thể tận dụng vỏ trái cây có chứa tinh dầu như cam, bưởi, quít để dưới mặt chậu cũng giúp xua đuổi côn trùng. 
Theo Agriviet.com

KHU VƯỜN TOÀN RAU 'ĐỘC, LẠ' GIỮA THỦ ĐÔ

Sau bao công sức trồng, tìm tòi, bà Hoa (ngõ 144 phố Quan Nhân, Hà Nội) đã tạo cho mình một vườn rau mới lạ.
Theo Eva.vn, vườn rau được bà Hoa đặt trên sân thượng với đầy đủ các loại rau muống, rau cải, ngót, cho đến các loại rau thơm, đậu, củ quả….
Không những thế, ẩn trong khu vườn ấy, còn có những loại cây hết sức độc đáo: 
Rau ngót Nhật: Không tuốt cây như rau ngót thường
Rau ngót Nhật có vị hơi lạ nhưng ngon và ngọt hơn rau ngót thông thường. Để thu hoạch loại rau này, người ta sẽ nhặt nó thay vì tuốt lá.
Rau ngót Nhật thường được dùng để nấu với tôm khô, cua đồng hoặc xay nấu cháo cho trẻ em, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.
Rau húng lai
Đây là một loại húng lai mà trong một lần về quê (ở chùa Hương) bà Hoa tình cờ xin được.
Cây có mùi vị thơm đặc trưng và có sức sống vượt trội hơn hẳn các loại húng khác trong vườn (các loại húng khác thường chỉ sống qua một mùa).
Hiện bà Hoa đã trồng đến năm thứ ba. Cây húng lai sống khỏe qua mọi thời tiết, từ mùa đông lạnh cắt cho đến mùa hè nắng cháy da và càng được ngắt, cây càng phát triển nhiều hơn so với lứa đầu.
Củ cải đường
Đây là một loại cây mà bà Hoa nhờ mua hạt giống tận bên Áo.
Củ cải đỏ có rất nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống đột quỵ, tốt cho tim, gan và phòng chống ung thư.
Bà Hoa chỉ trồng được củ cải đỏ vào mùa đông vì cây hợp với khí hậu lạnh của châu Âu.
Đây là loại cây khá khó trồng, thường dễ bị sâu và mỗi lần như vậy, bà Hoa thường phải tự tay vạch lá và bắt từng con sâu một.
Rau lá cẩm
Cây lá cẩm thường được dùng để nấu xôi, làm bánh chưng, bánh tét, nhiều loại bánh như bánh nướng, bánh dẻo và tạo màu thực phẩm.
Điều đặc biệt nữa là 2 loại cẩm tím và cẩm đỏ hình thức giống hệt nhau nên nếu không trồng riêng thì nhìn sẽ không phân biệt được đâu là cây cẩm tím vào đâu là cây cẩm đỏ.
Lá mắc mật - Đặc sản của dân tộc vùng cao
Bà Hoa đem cả nét đặc sản của những dân tộc vùng cao về khu vườn của mình - lá mắc mật, loại lá chuyên làm nguyên liệu cho những món thịt nướng.
Cóc Thái
Rất nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là quả dâu da. Thực tế đây là quả cóc Thái đang lớn, một loại cây thân mộc.
Giống cây nhiều công dụng này được bà Hoa kỳ công chuyển từ Sài Gòn ra. Lá cây cóc thường được dùng trong các món gỏi cuốn của dân Nam bộ.
Ngoài lá cóc Thái ra, quả của loài cây này vốn là một trái cây dinh dưỡng khi ép nước làm sinh tố hay một món quà vặt ngon bổ rẻ với món cóc dầm, ngâm chua cay.
Rau đắng
Sẽ thật thiếu sót khi ăn lẩu cá kèo mà thiếu mất vị rau này, cây rau đắng, một loại cây giúp giải nhiệt và giúp giảm cân khá hiệu quả.
Ngoài ra, khi kết hợp với những trái cóc Thái trên, rau đắng có thể chế biến thành món gỏi cóc tôm khô khó có thể bỏ qua.
Cây chùm ngây 
Chùm ngây còn được gọi là 'Cây thần dược', 'Cây độ sinh' hay 'Tiên Đan trường sinh' của người Philippines.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì loại rau này chứa vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa.
Quả lặc lày (mướp Nhật)
Là loại mướp rừng (hay còn gọi là quả mướp Nhật), cây lặc lày vốn thường chỉ được trồng ở vùng núi Tây Bắc và còn lạ lẫm với khá nhiều người.
Cây sung 14 năm tuổi
Sung vốn không hề xa lạ với mọi người, nhưng việc trồng loại cây này tại nhà thì không phải ai cũng nghĩ đến vì đây là loại cây trồng lâu năm và chiếm khá nhiều diện tích.
Cây sung này đã được bà Hoa trồng trong 14 năm, từ khi cây cao chưa đầy 1m và cho đến bây giờ đã hơn 10m.
Cứ đến mùa, cây sung luôn trĩu quả như vậy, cho ra đến hàng chục cân mỗi khi bà Hoa thu hoạch.
Cây sương sâm: Mọi bộ phận của cây đều có công dụng
Bà Hoa phải nhờ mua loại cây này từ trong TP HCM.
Cũng giống như cây chùm ngây, cây sương sâm khá khó trồng, song bù lại, mọi bộ phận của cây đều có những công dụng nhất định, từ dây, lá cho đến rễ cây.
Thi thoảng, bà Hoa dùng lá loại cây này để làm thạch cho các cháu ở nhà ăn, vừa mát lại vừa có tính giải nhiệt cao, đặc biệt hiệu quả với những người mắc các bệnh về gan.
Khi được hỏi về lý do tại sao lại chọn trồng những loại cây, rau độc đáo này, bà Hoa dí dỏm:
'Những loại rau hàng ngày thì dùng để chế biến các món ăn bình dân, nhưng để làm được những món đặc sản thì cần phải có những nguyên liệu đặc biệt, ngoài chợ chắc gì đã có, mà có chắc giá trên trời mất!'.

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

BỨC HỌA TRÊN CÁNH ĐỒNG NHẬT BẢN

Ngôi làng Inakadate, nằm gần thành phố Hirosaki ở quận Aomori của Nhật Bản nổi tiếng với những bức họa trên cánh đồng độc đáo, đầy tính nghệ thuật. Hàng năm, những cánh đồng nghệ thuật ở đây thu hút hơn 200.000 lượt du khách tham quan.




Làng Inakadate, nằm gần thành phố Hirosaki ở quận Aomori của Nhật Bản, là một trong số ít nơi trên thế giới kết hợp hoàn hảo canh tác và nghệ thuật. Ngôi làng này trở nên nổi tiếng bởi những cánh đồng đầy tính nghệ thuật. Nhờ những bức họa trên cánh đồng vừa độc đáo, vừa đa dạng, ngôi làng này thu hút hơn 200.000 khách du lịch một năm.


Trong nhiều thế kỷ, nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân Inakadate. Với dân số chỉ vỏn vẹn 8.000 người, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người ở ngôi làng này cao hơn nhiều so với các vùng khác tại Nhật Bản. Diện tích những cánh đồng lúa chiếm 50% diện tích toàn ngôi làng. Nhờ đất đai màu mỡ, năng suất thu hoạch ở Inakadate luôn cao gấp đôi so với những ngôi làng khác tại Nhật Bản.

Trong những năm 1990, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng các giống lúa của Inakadate đã tồn tại hơn 2.000 năm nay. Để chào mừng sự kiện này và thu hút khách du lịch, các văn phòng du lịch địa phương ấp ủ một kế hoạch – biến cánh đồng lúa trở thành những tác phẩm nghệ thuật.


Từ năm 1993, ngôi làng Inakadate bắt đầu cung cấp các tour du lịch tham quan đồng lúa, trải nghiệm phương thức trồng lúa truyền thống.

Để tạo ra những cánh đồng lúa đầy tính nghệ thuật như thế này, người nông dân ở đây kết hợp các giống lúa màu sắc với lúa màu xanh truyền thống.

Đặc biệt, các giống lúa ở đây hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng màu nhân tạo. Văn phòng du lịch ở đây còn thuê hẳn họa sĩ để dựng hình bức vẽ trên các cánh đồng. Ban đầu, các mô hình rất đơn giản. Càng về sau, các bức vẽ càng phức tạp và sống động.

Đến nay, các nghệ nhân-nông dân Inakadate đã có thể tái tạo tác phẩm nghệ thuật cổ điển trong lĩnh vực của họ, chẳng hạn như Mona Lisa và Hokusai Katsushika, các biểu tượng nhạc pop và nhân vật lịch sử như Marilyn Monroe và Napoleon Bonaparte, cũng như các chiến binh Nhật Bản, ma quỷ và các vị thần.

Các mẫu thiết kế không bao giờ được lặp lại hai lần. Một trong những thiết kế phức tạp nhất từng được thực hiện là một cảnh trong câu chuyện dân gian Hagoromo – một người nông dân nhặt được chiếc áo lông kỳ diệu của một vũ công. Để dựng hình cho thiết kế này, những người nông dân đã sử dụng tới 10 giống lúa khác nhau.

Theo www.odditycentral.com